Trước tình trạng đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trên phạm vi toàn cầu với số ca mắc ngày một tăng, nhiều tòa soạn báo trên thế giới đã thực hiện nhiều giải pháp ứng phó để duy trì sản xuất nội dung, đồng thời bảo đảm an toàn cho các phóng viên, biên tập viên và các nhân viên khác.
Ảnh minh họa: Phóng viên tác nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát
Trong bối cảnh số ca nhiễm dịch Covid-19 tiếp tục tăng trên toàn thế giới, nhiều lãnh đạo tòa soạn đã đặt câu hỏi về việc các tòa soạn nên làm gì, và giải pháp của họ là cho nhân viên làm việc từ xa, cho làm việc ở nhà. Việc này có vẻ hợp lý với các tòa soạn điện tử, nhưng rốt cục chỉ phù hợp với các biên tập viên.
Phóng viên thì đương nhiên là “chân chạy”, và chỉ cần trang bị một chiếc máy laptop cùng điện thoại di động thì họ làm việc ở đâu cũng được. Nhưng phóng viên muốn viết bài thì không chỉ ngồi một chỗ thu thập tài liệu, họ phải ra đường, họ phải đi phỏng vấn. Những tòa soạn đa phương tiện với bộ máy lớn càng không thể áp dụng cách làm việc từ xa này nếu muốn duy trì sản xuất nội dung với tần suất, quy mô và tiêu chuẩn chuyên nghiệp, trong khi bảo đảm an toàn cho các phóng viên, biên tập viên và các nhân viên khác.
Một bài trên trang blog của tổ chức báo chí WAN-IFRA dẫn lời chủ bút Washington Post Fred Ryan nói với nhân viên hồi đầu tháng 3 rằng, họ hãy làm việc ở nhà nếu có thể: “Chúng tôi quyết định sẽ bắt đầu khuyến khích (chứ không bắt buộc) nhân viên làm việc ở nhà nếu vai trò của họ cũng như những đòi hỏi về thiết bị không buộc họ phải đến cơ quan, kể từ ngày mai cho đến hết tháng. Chúng tôi dự định sẽ vẫn duy trì hoạt động tối đa cho dù có thay đổi về nơi làm việc của nhân viên.” Đương nhiên, do phụ thuộc vào nhiều vấn đề công nghệ, nhiều nhân viên của Washington Post vẫn phải làm việc tại cơ quan. Các báo khác chắc cũng áp dụng cách thức tương tự.
Tại châu Á, các tòa soạn đang áp dụng nhiều biện pháp để dòng tin tức không bị gián đoạn. Straits Times, nhật báo hàng đầu ở Singapore, chia đội ngũ biên tập thành hai nhóm, mỗi nhóm khoảng 25 người. Mỗi nhóm có những biên tập viên nắm các vai trò chủ chốt để nhóm đó có thể vận hành nếu thành viên của nhóm kia không may nhiễm bệnh, và cả nhóm đều phải khử trùng thường xuyên.
Hai nhóm sẽ luân phiên nhau làm việc ở nhà và ở tòa soạn trong vòng hai tuần, giữ liên lạc với nhau thông qua công cụ Google Hangouts. Số còn lại làm việc ở nhà hoặc ngoài tòa soạn theo nhiệm vụ phóng viên thông thường, áp dụng thêm một số biện pháp phòng ngừa như thường xuyên rửa tay, tránh chỗ đông người, và mang khẩu trang khi tới những khu vực có nguy cơ cao.
Tổng biên tập Straits Times Warren Fernandez cho hay cách thu xếp này cho tới nay khá ổn, trừ vài trục trặc về kỹ thuật.
Tại Hồng Công (Trung Quốc), tất cả nhân viên của tờ South China Morning Post (SCMP) đã sẵn sàng cho giai đoạn làm việc từ nhà, nhưng hiện tại mới áp dụng cho 50%. Báo này hy vọng chỉ sau vài tuần nữa thì nhân viên có thể quay lại tòa soạn nếu họ hoàn toàn mạnh khỏe. Bất kỳ ai từng đến Trung Quốc đại lục đều phải tự cách ly 14 ngày.
Hạn chế tiếp xúc giữa các nhân viên
Tại SCMP, nhân viên được yêu cầu sử dụng các chai nước sát khuẩn được đặt khắp nơi trong tòa nhà, tránh tổ chức các cuộc họp đông người trong phòng kín, và trong lúc làm việc thì chịu khó đeo khẩu trang, thứ đồ bảo hộ mà họ có thể nhận ngay ở quầy lễ tân hoặc có các trợ lý tin tức cung cấp tận nơi.
Đội ngũ biên tập “đóng chốt” trong hai tầng của tòa nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm với các đồng nghiệp ở các tầng khác. Họ dùng ứng dụng Google Hangouts để trao đổi với những người khác trong tòa soạn, thay vì gặp trực tiếp như trước.
SCMP cũng đang cân nhắc việc chia nhỏ các phòng ban lớn, giống như cách mà Straits Times đã làm. SCMP đã cung cấp màn hình máy tính lớn để làm việc tại nhà cho nhóm Báo in, nhóm phụ trách khu vực châu Á, nhóm tin Văn hóa cũng như nhóm đảm trách các vấn đề về giới trẻ Young Post.
Tại Italy, nơi virus corona đang phát tán với tốc độ khủng khiếp, tình hình cũng thay đổi nhanh chóng với việc áp dụng nhiều quy định mới.
Il Vostro Giornale và Genova24, hai tờ báo của vùng Savona và Genoa và đều thuộc sở hữu của tập đoàn xuất bản Edinet, vẫn có thể hoạt động mà không cần có thêm các biện pháp bổ sung vì cơ cấu vận hành của họ vốn đã theo mô hình làm việc tại nhà.
Alessandro Bompieri, giám đốc điều hành của News Italy thuộc RCS Media, tập đoàn sở hữu Corriere della Sera, một trong những nhật báo có số phát hành nhiều nhất ở Italy, cùng nhật báo thể thao Gazzetta dello Sport, khẳng định cho tới tuần đầu tiên của tháng 3 này, họ vẫn in và phát hành báo đến các kiosk và trực tiếp cho người đặt báo.
RCS đã cung cấp cho tất cả các nhà báo laptop cài sẵn phần mềm Microsoft Teams, để họ có thể viết bài và tham dự các cuộc họp từ xa, trong trường hợp phải đóng cửa tòa soạn.
Tuy nhiên, tình hình diễn biến quá nhanh, chính quyền vùng Lombardy – nơi có thủ phủ là Milan và chịu ảnh hưởng nặng nền nhất của dịch Covid-19 – mới đây yêu cầu ngừng toàn bộ các hoạt động thương mại và kinh tế trong hai tuần, trừ các cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc, nên có khả năng RCS Media phải áp dụng thêm nhiều biện pháp, kể cả việc in phiên bản điện tử của các ấn phẩm.
Tại Anh, nhân viên của tờ Telegraph được phép làm việc ở nhà, bộ phận tin tức cũng luân phiên làm việc từ xa. Trong khi đó, nhân viên của News UK vẫn chưa được yêu cầu làm việc tại nhà, tuy một phóng viên của Times vừa được xác định dương tính với virus corona. Cầu thang máy, phòng vệ sinh và những khu vực công cộng tại trụ sở của News UK gần London Bridge được khử trùng liên tục mỗi 30 phút, và lãnh đạo báo này khẳng định trong tòa nhà vẫn an toàn.
{body}