Để phát triển nguồn thu, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh việc bảo vệ bản quyền tác phẩm, nâng cao chất lượng nội dung, chủ động ứng dụng công nghệ mới và kiên trì thúc đẩy việc thu phí báo điện tử...
Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu” diễn ra sáng ngày 11/6 tại Hà Nội. Nguồn ảnh: Vietnam+. |
Những đề xuất trên được nhiều đại biểu đưa ra, bày tỏ sự đồng thuận tại diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu”, diễn ra sáng ngày 11/6 tại Hà Nội. Chương trình do Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận tổ chức. Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020).
Suy giảm nguồn thu và những hệ lụy
Theo ông Lê Trần Nguyên Huy, Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, việc phát triển kinh tế báo chí, bảo đảm nguồn thu từ lâu đã là “bài toán” nan giải của các tòa soạn, đặc biệt với những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 càng khiến cho việc giải “bài toán” phát triển nguồn thu trở nên cấp bách với giới báo chí.
“Do sự tác động của dịch bệnh, trong thời gian qua, nhiều tòa soạn bị sụt giảm tới 50% doanh thu. Để cầm cự, duy trì sự tồn tại, hoàn thành nhiệm vụ thông tin, hầu hết các tòa soạn vừa phải cắt giảm triệt để chi phí, vừa phải nỗ lực tìm kiếm nguồn thu mới”, ông Huy cho biết.
Có cùng quan điểm trên, nhiều đại biểu tham dự diễn đàn cũng bày tỏ thực trạng khó khăn của kinh tế báo chí hiện nay được thể hiện trên một số phương diện: Doanh thu báo in sụt giảm nghiêm trọng, lượng người đọc báo điện tử tăng nhưng doanh thu không tăng, doanh thu quảng cáo giảm mạnh do các doanh nghiệp khó khăn, buộc phải cắt giảm chi phí…
“Nhiều đơn vị đã phải tạm đình bản, thực hiện điều chỉnh, cắt giảm nhuận bút, chi phí sản xuất, giảm phúc lợi, thậm chí giảm bớt số người lao động”, ông Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay bày tỏ.
Tại diễn đàn, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện nay, nguồn thu của báo chí đang suy giảm mạnh. Tổng doanh thu của lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình trong năm 2019 chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google ở thị trường Việt Nam.
“Chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị phần quảng cáo rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới. Mất nguồn thu sẽ đồng nghĩa với việc sa sút nội dung và giảm sức ảnh hưởng của kênh tuyên truyền chính thống. Việc sụt giảm nguồn thu là một trong những nguyên nhân chính khiến báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích. Vòng xoáy “cơm, áo, gạo, tiền” sẽ làm báo chí xa rời chân giá trị của nghề báo”, ông Phúc nhấn mạnh.
Đa dạng hóa nguồn thu
Trên cơ sở phân tích những khó khăn mà các cơ quan báo chí đang phải đối mặt, các đại biểu tham dự diễn đàn đã đưa ra những kiến nghị nhằm góp phần giải “bài toán” phát triển kinh tế báo chí; trong đó nhiều ý kiến tập trung vào hướng đa dạng hóa nguồn thu và vấn đề thu phí báo chí.
“Thực tế cho thấy, nếu báo chí bị phụ thuộc quá lớn vào một nguồn thu nào đó thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Tôi cho rằng cần có chính sách mới hỗ trợ, đầu tư để bảo đảm công cụ truyền thông thiết yếu của Nhà nước hoạt động hiệu quả; cùng với đó là sự thay đổi nhận thức, tìm tòi, học hỏi cách làm mới của người đứng đầu cơ quan báo chí”, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử bày tỏ.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Lưu Đình Phúc cho hay, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các cơ quan báo chí cần nhìn nhận nghiêm túc về hình thức thu phí. Khán giả được xem các kênh truyền hình thiết yếu không bị thu phí nhưng với các kênh giải trí khác có chất lượng, người dùng phải trả phí. Khi báo chí cùng tham gia vào hệ sinh thái số có thu phí, các cơ quan quản lý, tòa soạn cần có chính sách thắt chặt và kiểm soát gắt gao hơn nữa về vấn đề bản quyền.
“Hiện nay, báo chí, truyền thông đang sản xuất nội dung rồi chủ động đưa (hoặc bị đưa) tài nguyên đó lên nền tảng phát hành xuyên biên giới để có nhiều người tiếp cận hơn, từ đó, có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, với cách làm như thế, chính chúng ta đang tạo ra giá trị cho các nền tảng xuyên biên giới, làm mất đi lợi thế ảnh hưởng của báo chí”, ông Lưu Đình Phúc nói.
Để khắc phục tình trạng nói trên, theo ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, các cơ quan quản lý nhà nước nên nghiên cứu giải pháp điều hướng một phần doanh số quảng cáo, truyền thông từ các mạng xã hội (chủ yếu là của nước ngoài) trở lại thị trường quảng cáo, truyền thông trong nước; nên có chính sách bắt buộc hoặc thuyết phục các nhà mạng chia sẻ cho các báo một phần lợi nhuận từ dịch vụ cung cấp Internet (từ những bạn đọc báo điện tử).
“Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị nên có chính sách hỗ trợ báo chí thông qua hình thức đặt hàng khi cần mở những đợt truyền thông, tuyên truyền lớn hoặc thông tin về những chương trình quốc gia mang tính dài hơi”, ông Sơn kiến nghị.
Kiên định với việc thu phí báo điện tử
Trong tham luận gửi tới diễn đàn, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamNet nêu rõ: “Từ xu thế truyền thông quốc tế, chúng ta thấy rõ rằng độc giả rồi sẽ phải quen với việc trả tiền cho nội dung”.
Ông Tuấn chỉ ra trong một thế giới đầy rẫy tin giả từ các trang mạng xã hội hiện nay, người dùng có nhu cầu lớn trong việc tiếp cận những nguồn thông tin chính thống, chính xác, nhanh nhạy. Bởi thế, họ đang có xu hướng quay trở lại với thói quen đọc báo trả tiền.
Do vậy, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamNet cho rằng, thay vì viết nội dung nhiều “view” (lượt xem) để có quảng cáo, báo chí trong nước nên bắt đầu suy nghĩ về việc thay đổi phương thức kinh doanh sang mô hình đăng ký thuê bao. Đi liền với đó là yêu cầu cải thiện chất lượng nội dung.
Tại diễn đàn, ông Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) nêu rõ, ngày 20-6-2018, VietnamPlus trở thành cơ quan báo chí đầu tiên của Việt Nam thu phí đọc nội dung trên nền tảng digital.
Trong số hơn 200 tin, bài phát mỗi ngày, chỉ có một phần nhỏ (từ 5 đến 10 bài) được thu phí. Đó là những bài phân tích chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền… do tòa soạn tự sản xuất hoặc dịch, khai thác theo nhượng quyền của các đơn vị báo chí lớn trên thế giới. Vì vậy, việc này không gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ cung cấp thông tin thiết yếu cho độc giả. Tòa soạn xác định kiên trì lâu dài với chiến lược đặt trọng tâm vào nguồn thu từ độc giả thay cho quảng cáo.
“Việc thu tiền từ bạn đọc trực tuyến ở Việt Nam hiện nay rất khó nhưng nếu muốn thay đổi cơ cấu doanh thu thì các cơ quan báo chí phải bắt tay vào làm. Một trong những việc quan trọng hàng đầu là phải bảo vệ được bản quyền”, nhà báo Trần Tiến Duẩn nhấn mạnh.
Từ đó, nhiều đại biểu tham dự diễn đàn kiến nghị cần có một tổ chức chuyên trách vấn đề bản quyền báo chí.
Cùng với việc củng cố, đổi mới về nội dung thì việc đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến cho báo chí là cơ sở để có thể cạnh tranh với các phương tiện truyền thông mới.
Trí tuệ nhân tạo cung cấp khả năng có nhiều dịch vụ tin tức dành cho cá nhân hơn, trợ lý giọng nói có thể trở thành một cổng thông tin mới để truy cập phương tiện truyền thông thuộc mọi loại hình, blockchain sẽ mở ra các hình thức thanh toán và xác minh mới…
"Trong bối cảnh đó, báo chí cần tìm cách kết hợp nguồn nhân lực của mình với làn sóng công nghệ mới này để tối đa hóa tiềm năng sẵn có, tạo ra sản phẩm báo chí hấp dẫn để phát triển bền vững trong tương lai”, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử chỉ rõ.
{body}