Trong bản Báo cáo xu hướng Báo điện tử mới nhất của Viện nghiên cứu Reuters có một thông tin đáng chú ý, đó là sức tăng trưởng nhanh nhất trong các cách thức truy cập tin tức trên mạng trong 3 năm qua là tin báo nhanh (Notification ) trên di động.
Điều này gắn liền với việc những người trẻ có thói quen bắt đầu ngày mới bằng việc kiểm tra màn hình khoá của điện thoại. Và để tận dụng cơ hội này, các tờ báo đang cố gắng gửi nhiều thông báo nhanh hơn với các mảng đề tài đa dạng hơn.
Đối với tờ báo danh tiếng như The New York Times, họ rất kỹ càng trong việc biên soạn và phê duyệt tin báo di động, và họ thậm chí còn có đội ngũ kỹ thuật để hỗ trợ cho quá trình làm tin báo di động. Hãy cùng tham khảo câu chuyện thú vị này qua bài viết trên blog open.nytimes.com.
Làm Notification báo điện tử trên di động chuyên nghiệp
“Thứ tự ưu tiên là chính xác, chất lượng, rồi đến tốc độ”, đó là câu giới thiệu của kênh trao đổi mang chủ đề “#notifications” trên nền tảng Slack (dịch vụ trao đổi, làm việc theo nhóm trực tuyến) của The New York Times.
Đó là kênh để The New York Times duyệt tin báo: những tin báo Notifications này được gửi thẳng tới điện thoại của độc giả và có thể giới thiệu hầu như mọi thứ, từ tin nóng khẩn cấp cho đến những bài chuyên sâu dạng long-form.
Và The New York Times không hề xem nhẹ việc độc giả cấp quyền đẩy tin báo cho mình. Mỗi tin báo được gia công kỹ càng để thật chính xác, có chất lượng, và đúng thời điểm. The New York Times đảm bảo điều đó với chuỗi quy trình nghiệm thu và phê duyệt mà tin báo nào cũng phải trải qua trước khi được gửi đi.
Về căn bản, quy trình là thế này: người soạn tin báo, cũng là người có nhiệm vụ đưa mẩu tin báo của mình qua toàn bộ quá trình kiểm duyệt, sẽ làm việc với biên tập viên để viết lời dẫn cho bài viết vừa mới hoặc sắp được xuất bản. Ít nhất có 2 người được giao nhiệm vụ đọc soát tin báo, đảm bảo rằng lời dẫn trong tin báo phác thảo đúng nội dung chính của bài viết.
Người soạn tin báo cũng có trách nhiệm xác định ra độc giả để nhận tin báo. Đối với tin nóng hổi, mọi người sẽ đều nhận được tin báo, nhưng đôi khi The New York Times chỉ đẩy tin báo đến với những độc giả ở một bang hay một vùng nhất định, hoặc trên một nền tảng nào đó ví dụ như Apple News. Người soạn cũng có thể chỉ định ai đó để đẩy tin báo đi khi tất cả sự phê duyệt đã xong.
Thông thường, việc soạn thảo sẽ được làm trong kênh “#notifications” (đây là cách đặt tên kênh đặc trưng của Slack), và lời dẫn sẽ được chỉnh sửa trong kênh này hoặc trong một hộp thoại tin nhắn gốc. Người được giao nhiệm vụ duyệt tin báo sẽ ra dấu phê duyệt bằng... emoji hồi đáp, hoặc bằng cách viết ra rằng họ đã phê duyệt bên cạnh lời dẫn gốc để báo hiệu đã kiểm định.
Bình thường thì quy trình này diễn ra suôn sẻ, nhưng cũng sẽ trở nên rối bời nếu có nhiều chỉnh sửa qua lại trong lời dẫn, hoặc khi nhiều tin báo được soạn cùng lúc.
Trong sự kiện Maker Week năm ngoái, tuần lễ sáng tạo thường niên của The New York Times, ý tưởng được đưa ra về việc tạo bot của nền tảng Slack để hỗ trợ tòa soạn thực hiện quy trình làm việc nêu trên.
Và chỉ trong vòng 1 tuần, đội phát triển đã xây được một bot nền tảng Slack để lập trình hóa quy trình làm việc và từ đó đã được sử dụng hữu ích cho tòa soạn. Bot này hoạt động như sau:
Để khởi tạo một tin báo, người soạn tin báo sẽ sử dụng bot thông qua câu lệnh dấu sổ chéo “/alert”, khi đó một hộp thoại được mở ra cho người soạn nhập thông tin cần thiết cho tin báo.
Trên hình là hộp thoại ban đầu của hệ thống làm tin báo NYT Alert Bot, với khung Slug để nhập đường dẫn bài viết cần giới thiệu, khung “Language for the alert” để nhập lời giới thiệu. |
Khi hộp thoại khởi tạo tin báo được gửi đi, bot sẽ tạo một dòng tin nhắn trong kênh hiển thị tất cả thông tin chi tiết của tin báo. Tin nhắn này sẽ luôn được cập nhật với các lần chỉnh sửa và phê duyệt của tin báo.
Trên hình là tin nhắn xuất hiện trong kênh “#notifications”, gạch sọc đỏ lề trái cho thấy chưa có sự phê duyệt nào. |
Những nút bấm kèm theo tin nhắn cho phép người khác thực hiện chỉnh sửa tin báo. Vai trò người đọc và người gửi có thể được chỉ định bằng cách click nút “Roles”.
Bấm vào nút “Roles” để truy cập hộp thoại cập nhật vai trò. |
Người đọc có thể phê duyệt bằng cách click nút “Approve”. Hoặc, quyết định phê duyệt đã được chuyển bằng lời, quyết định phê duyệt này có thể được bất kỳ ai đánh dấu nhờ danh mục “More actions”.
Trong hình là danh mục các hành động khác, “More actions”. |
Trong suốt quá trình, bất kỳ lần chỉnh sửa nào cũng được hiển thị bởi bot dưới dạng tin nhắn trả lời tin nhắn gốc. Hình thức này giống như bản ghi sự thay đổi trong khi cũng cho thấy bước tiếp theo của quy trình là gì.
Trong hình là tin nhắn cho thấy vai trò đã được chọn, bước tiếp theo là xét phê duyệt. |
Và khi tất cả đều đã phê duyệt, tin báo sẵn sàng được gửi đi.
Tin nhắn gốc trong kênh như trong hình được cập nhật trạng thái mới nhất, gạch sọc lề trái chuyển sang màu hổ phách cho thấy tin báo đã sẵn sàng được gửi đi. |
Sau khi tin báo được gửi đi, người gửi có thể đánh dấu là đã gửi. Tin nhắn gốc ban đầu sẽ chuyển sang màu xanh lá và đồng thời tự thu gọn dòng trao đổi để không làm rối giao diện kênh.
Gạch sọc chuyển sang màu xanh lá để cho thấy tin báo đã được gửi đi. |
Bot nền tảng Slack của The New York Times được xây dựng bằng NodeJS, sử dụng những thành phần @slack/client và @slack/interactive-messages của hệ thống npm. Bot là một server Express khá đơn giản được vận hành theo Google App Engine nơi nhận các lệnh điều khiển từ hệ thống Slack.
Thực sự Slack API mạnh đến bất ngờ, cho phép hỗ trợ khá đầy đủ ví dụ như nhắn trực tiếp, tạo lịch nhắc, triển khai biểu tượng emoji, và những tính năng khác mà The New York Times có thể tận dụng thêm trong tương lai.
Hiện tại bot có thể chỉ mang tính thông tin, nghĩa là chỉ hỗ trợ tòa soạn trong quy trình soạn tin báo, chứ chưa tích hợp với hệ thống CMS để lấy đường dẫn của bài viết, và cũng không tự gửi tin báo. The New York Times sẽ tiếp tục hoàn thiện bot này để đảm bảo bot giải quyết hiệu quả những vấn đề của việc chỉnh sửa, phê duyệt tin báo, sau đó tiếp đến cân nhắc xây dựng khả năng cao hơn ví dụ như tích hợp CMS.
Nếu công ty của bạn dùng Slack như một phần quy trình làm việc, hãy cân nhắc liệu nâng cấp mở rộng bằng bot có thể giúp quy trình thuận lợi hơn hay không. Bắt tay vào làm thực ra dễ dàng hơn bạn nghĩ và có thể giúp nhân lên tính hiệu quả của Slack với vai trò công cụ cho tổ chức cửa bạn. Thực tế, làm bot cho Slack khá vui và dù gì thì cũng sẽ là một trải nghiệm học hỏi đáng giá.
{body}