Cập nhật: 05:30 17/01/2019

The New York Times triển khai hệ thống gợi ý cá nhân hóa

Trong số các phiên thảo luận của Hội nghị Sáng tạo Số 2019 ở Berlin (Đức) cuối tháng 3 vừa qua, CTO Nick Rockwell của tờ The New York Times cũng xuất hiện.

The New York Times triển khai hệ thống gợi ý cá nhân hóa

Nick Rockwell tham luận với chủ đề “Báo chí trong thời đại gợi ý bằng thuật toán”, và dành thời gian của mình để bàn về những bước tiến của báo chí trong cá nhân hóa nội dung.

Nick Rockwell bắt đầu bài tham luận bằng những cập nhật mới nhất về The New York Times, tờ báo lâu đời có hơn 170 năm tuổi và giờ đã đạt đến lượng đọc 150 triệu lượt trên mạng hàng tháng trên khắp thế giới.

Nick Rockwell cũng khẳng định sứ mệnh của The New York Times là “đi tìm sự thật và giúp người đọc hiểu về thế giới”. Ông cho rằng “sản phẩm báo chí chất lượng có khả năng khiến bạn đọc sống trọn vẹn hơn, làm cho xã hội tốt đẹp hơn”.

Và Nick Rockwell cũng giải thích về cách mà quá trình chuyển đổi số đang phát huy tác dụng ở The New York Times khi tờ báo này đã thu hút được 3,4 triệu độc giả trả phí trên mạng, và đang hướng tới mục tiêu đạt 800 triệu USD tiền doanh thu từ báo mạng vào năm 2020.

Đáng chú ý, ông cũng chia sẻ rằng CEO Mark Thompson của tờ báo đã đặt mục tiêu mới đầy tham vọng là 10 triệu độc giả trả phí.

Khá bất ngờ khi mô hình thu phí ban đầu chỉ là một thử nghiệm ở The New York Times, nhưng rõ ràng đã rất thành công. Vì thế Nick Rockwell đặt ra câu hỏi liệu The New York Times có thể trở thành mô hình kinh doanh nhân rộng trên Internet đến cỡ như Spotify hay Netflix.

Ông điểm qua cách thức mà 2 dịch vụ vừa nêu đã phát triển trong việc cá nhân hóa và kết quả kinh doanh mà những hệ thống này mang lại. Vị CTO này cho biết 30% lượt bật nhạc của Spotify là từ các gợi ý, trong khi lượt xem của Netfilx có 80% là từ các gợi ý.

Nói cách khác, cá nhân hóa là yếu tố cực kỳ quan trọng trong bước phát triển thần kỳ của những dịch vụ này.

Tờ The New York Times thận trọng với cá nhân hóa nhưng vẫn triển khai

Về phần mình, CTO Nick Rockwell cho biết cách tiếp cận của The New York Times về chuyện cá nhân hóa là khá thận trọng nên chỉ điều chỉnh các bài viết ở khúc dưới trang chủ.

“Sự lựa chọn sắp đặt là mục đích chính của trang chủ”, Nick Rockwell giải thích kỹ hơn. “Ở đó có hệ thống tiêu chí nên trở thành môi trường không dễ để gợi ý tự động”.

“Và cũng có những lý do khác khiến chúng tôi có chút ngần ngại áp dụng cá nhân hóa, bao gồm sự cầu toàn tỉ mỉ của chính chúng tôi, lo ngại về khả năng tạo ra bong bóng thông tin bao vây người dùng được tạo ra bởi chính họ, cũng như sự thiếu kiểm chứng, kiểm soát”.

Dù vậy Nick Rockwell cũng đi tìm lời giải cho việc làm thế nào mà hệ thống gợi ý tự động có thể được tích hợp vào tờ The New York Times. Câu hỏi đặt ra là mọi người có cho rằng cá nhân hóa sẽ giải quyết được hiệu ứng FOMO (tiếng Anh là “Fear Of Missing Out”, nghĩa là hiện tượng lo lắng rằng mình bỏ lỡ điều người khác biết, vì thế luôn cố gắng theo dõi thông tin sự kiện) hay không.

Nick lý giải: “Bạn đọc thường có cảm nhận lẫn lộn liên quan đến cá nhân hóa tin thời sự. Họ muốn cả hai điều, đó là mọi thứ phải được sắp xếp theo bởi người có chức trách và phải có quy củ, nhưng đồng thời cũng muốn góc nhìn theo ý muốn của mình. Nghe thì đơn giản, nhưng lại khá khó để cân bằng hợp lý”.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra sự gắn bó của bạn đọc đặc biệt là ở giai đoạn lưng chừng khi bạn đọc đang cân nhắc đăng ký thành viên. Chúng tôi muốn xây dựng thói quen cho độc giả, chúng tôi muốn mỗi mảng đều làm thỏa mãn bạn đọc, và chúng tôi cần đáp ứng sự tò mò của bạn đọc”.

Và áp dụng cá nhân hóa nhưng vẫn... thận trọng từng bước

The New York Times vừa cho ra mắt bản beta của sản phẩm cá nhân hóa tích hợp trong ứng dụng iOS của tờ báo. Giờ ứng dụng này bao gồm tab thứ hai để áp dụng máy học và cá nhân hóa nội dung. Và tờ báo này cũng có thư báo cá nhân hàng tuần cho từng bạn đọc.

“Gộp chung lại, những sản phẩm này cho thấy nền tảng phát triển của tờ The New York Times 3.0 sẽ như thế nào”, Nick Rockwell gợi mở.

Dù vậy Nick Rockwell vẫn muốn mọi người làm rõ về hệ thống cá nhân hóa, cách hệ thống này hoạt động và lý do vì sao hệ thống này khó có thể hoạt động thực sự tốt.

Ông giải thích rằng máy học là một công nghệ đặc thù, và rằng kết quả thu được phải rất hữu ích trước khi được chấp nhận, và rằng Spotify và Netflix phải mất vài năm để có chiến lược gợi ý tự động thành công.

Và điều quan trọng vẫn là chúng ta hiểu bạn đọc của chúng ta, khi nào họ muốn điều quen thuộc và khi nào họ muốn khám phá. Tờ The New York Times xuất bản 250 tin bài một ngày, và không phải tất cả trong số đó đều có thể được gợi ý tự động.

Và cuối cùng Nick Rockwell kết luận rằng gợi ý tự động nghĩa là chúng ta chỉ phục vụ một thượng đế duy nhất, đó là bạn đọc. Liệu hệ thống gợi ý tự động có thành công hay không phụ thuộc vào việc liệu hệ thống có hỗ trợ tờ The New York Times trong sứ mệnh cốt lõi của mình.

Nghĩa là, hệ thống đó có giúp thuyết phục độc giả trả phí không? Có đáp ứng được sự tò mò không? Và quan trọng nhất có khiến thế giới tốt đẹp hơn không?

Chủ đề:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

© Công ty Phần mềm & Truyền thông VIỆT LONG
Địa chỉ:
Điện thoại:
Email:
Website: https://vietlong.org
Facebook: