“Tôi nghĩ nhiều người trong chúng ta cảm thấy quá tải vì có quá nhiều cách để tiếp nhận tin tức, hay vì tốc độ của những vòng cuộn tin không ngừng, hay vì những tin báo liên tục trên điện thoại. Đó gần như trở thành tạp âm gây nhiễu”, bà Katie Vanneck-Smith nhận xét.
Vanneck-Smith là cựu Chủ tịch và Giám đốc Phòng Khách hàng của tờ Dow Jones, giờ bà là đồng sáng lập của Tortoise, tổ chức cộng đồng báo chí “rùa”.
Tortoise muốn mọi người thu nhận được thông tin mà không làm họ quá tải. Phương châm của tổ chức là “chậm lại, hiểu đúng hơn”. Và độc giả đã bị thuyết phục. Chiến dịch gây quỹ trên nền tảng Kickstarter cho sự ra mắt của Tortoise đã đạt được mục tiêu huy động vốn trong 24 giờ đầu tiên, và rồi trở thành dự án báo chí huy động vốn thành công nhất trong lịch sử Kickstarter.
Ý tưởng của Tortoise xuất phát từ nhà đồng sáng lập James Harding vào năm 2016, khi xảy ra vụ khủng bố xe tải lao vào đám đông người đi bộ ở Nice (Pháp). Phóng viên BBC, nơi mà Harding đang là trưởng bộ phận thời sự vào thời điểm đó, đã dày công tìm hiểu về kẻ tấn công và điều tra về động cơ của vụ tấn công. Nhưng những phóng sự chiều sâu này phải nhường sóng cho tin nóng khác xuất hiện: vụ đảo chính quân đội ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“BBC sản xuất 4 giây tin tức mỗi giây đồng hồ trong ngày”, bà Vanneck-Smith nói. “Câu chuyện về kẻ tấn công lái xe tải, về nguyên nhân sâu xa dẫn đến hàng động tấn công, không phải là nội dung có thể xuất hiện trong vòng quay tin tức nóng hổi 24/7.”
Sau đó ông Harding tìm đến bà Vanneck-Smith, vì họ từng là đồng nghiệp ở The Times of London, với ý tưởng về một tòa soạn dành thời gian để điều tra chuyên sâu hơn về câu chuyện đằng sau những cái tít nóng hổi.
“Khi ông ta chia sẻ ý tưởng với tôi, tôi trả lời luôn kiểu như: Tôi hiểu, tôi muốn tham gia vì tôi muốn có sản phẩm báo chí như thế cho mình”, bà Vanneck-Smith kể.
Tortoise có 3 cách triển khai. Hàng ngày sẽ có cuộc thảo luận mang tên ThinkIn, ở đó đội ngũ biên tập sẽ bàn xem khai thác câu chuyện nào.
Những cuộc thảo luận ThinkIn này mở cửa đối với thành viên Tortoise đến dự trực tiếp hoặc qua video trực tuyến; các thành viên cũng được mời chia sẻ góc nhìn cá nhân về câu chuyện và vấn đề đang được bàn thảo.
Nhóm ThinkIn sau đó rút ra bản tổng hợp nội dung trong ngày gồm 5-7 câu chuyện cô đọng nhất. Bà Vanneck-Smith nhận xét: “Đó sẽ không phải là những vòng cuộn bất tận. Sẽ có mở đầu, phần giữa, và phần kết. Bạn có thể cảm thấy khá trọn vẹn”.
Trên hình là một buổi ThinkIn do James Harding chủ trì. |
Tortoise cũng có kế hoạch xuất bản ấn phẩm hàng quý với những bài viết dài chuyên sâu đi sâu vào tìm hiểu “động cơ thúc đẩy đằng sau thông tin”. Bà Vanneck-Smith khẳng định: “Những câu chuyện, những bài điều tra xứng đáng và cũng cần dành nhiều thời gian, sẽ có trên ấn phẩm hàng quý của chúng tôi”.
Mục đích là không chỉ giúp mọi người cảm thấy bớt quá tải và vẫn tiếp nhận được thông tin, mà còn là mở rộng góc nhìn và tìm hướng xây dựng trước những vấn đề lớn trong thời đại chúng ta. “Đối với chúng tôi, báo chí chậm lại là để cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn, mang mong muốn trở thành một phần trong những thảo luận tạo nên thế kỷ 21 tốt đẹp hơn”, bà Vanneck-Smith chia sẻ.
Đó cũng là để tạo ra văn hóa minh bạch và uy tín, sự trân trọng giá trị cần thiết ở thời điểm mà vấn nạn tin giả đang hoành hành. Quá nhiều sản phẩm báo chí ra đời trong “phòng đóng kín”, và điều đó giới hạn tầm nhìn của người đưa tin.
Bà Vanneck-Smith khẳng định về chuyện này: “Chúng tôi tin rằng càng có nhiều ý kiến bạn nghe được, góc nhìn sẽ càng chân thực.”
Bước tiếp theo Tortoise hướng tới gây quỹ cộng đồng sau khi chiến dịch trên Kickstarter kết thúc. Mục tiêu là xây dựng một mô hình thu phí bền vững, đồng thời đảm bảo luôn độc lập và không kèm quảng cáo.
“Với chúng tôi, điều thực sự quan trọng là tài chính lành mạnh cho các thành viên”, bà Vanneck-Smith khẳng định thêm.
Dù vậy hiện tại cách duy nhất cho mô hình gây quỹ của Tortoise là chiến dịch trên Kickstarter. Nhóm phát triển thì cũng đang lên kế hoạch tổ chức buổi ThinkIn ở bất kỳ thành phố nào ở Mỹ và Anh nơi họ nhận được sự hỗ trợ của 100 người tham gia trở lên.
Từ trước New York và London vẫn là địa điểm quen thuộc của Tortoise, nhưng về sau San Francisco, Washington, hay Chicago ở Mỹ, hay Sheffield, Leeds, Bristol, Edinburgh, Belfast ở Anh cũng là những địa điểm đầy hứa hẹn.
“Những cộng đồng như Kickstarter là nguồn cung cấp tuyệt vời của những con người đầy nhiệt huyết, sẵn sàng hành động và có lý tưởng để trở thành một phần của điều gì đó ý nghĩa. Chúng tôi có thể thấy rằng không cộng đồng nào tốt hơn trong việc hình thành sản phẩm của mình, đồng thời đưa ra những phản hồi xem tòa soạn nên phát triển thế nào”, bà Vanneck-Smith dành lời tốt đẹp nhất cho nền tảng Kickstarter.
*Nội dung trên là bài viết trên Medium.com vào tháng 8, giới thiệu khá đầy đủ và cận cảnh đối với dự án làm báo mang tên Tortoise. Dự án “rùa” này không đặt nặng tốc độ, tần suất đưa tin mà hướng tới các sản phẩm chuyên sâu, ý nghĩa.
Qua đó chúng ta có thể hiểu được rằng trong thời đại công nghệ vũ bão như hiện nay, vẫn có những mô hình làm báo sẵn sàng theo đuổi chất lượng nội dung mà giảm nhẹ những tiêu chí khác bao gồm cả tốc độ. Như vậy có thể thấy vị trí quan trọng của nội dung vẫn được khẳng định trong báo chí.
Dù vậy bên cạnh đó để vận hành những mô hình báo chí ý nghĩa như vậy thì những nhà sáng lập cũng vận dụng tối đa nền tảng xã hội số để huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển.
Và lưu ý, hình thức bài long-form cũng là một hướng phát triển sản phẩm báo chí chậm mà chắc, chuyên sâu.
{body}