Cập nhật: 05:26 10/09/2019

Phần mềm tòa soạn điện tử của The New York Times “thần thánh” tới mức nào?

Bạn có biết rằng đã có những phóng viên, biên tập viên chuyển công tác, chạy theo “đối thủ” chỉ vì những tiện ích và tính ưu việt của phần mềm Tòa soạn điện tử của công ty đối thủ “thần thánh” hơn.

Phần mềm tòa soạn điện tử của The New York Times “thần thánh” tới mức nào?

Bạn sẽ thấy rõ tầm quan trọng của công nghệ đối với tương lai của báo chí khi một biên tập viên danh tiếng quyết định chuyển sang cơ quan mới vì hệ thống quản trị nội dung (CMS) ở đó. Đó là những gì mà biên tập viên Ezra Klein đã chia sẻ với The New York Times về lý do quyết định rời The Washington Post để đến Vox Media, tòa soạn báo điện tử có một hệ thống CMS lý tưởng được họ tự phát triển (Vox Media sở hữu các trang như The Verge, Vox, SB Nation...).

Klein không miêu tả cụ thể điều gì khiến hệ thống của Vox đặc biệt đến vậy, nhưng thực tế rằng việc một nhà báo nói rằng anh ta quyết định chỉ vì hệ thống CMS của mình là dấu hiệu để bạn thấy thế giới đang thay đổi.

Đột nhiên, hệ thống CMS, một công cụ quan trọng của báo chí hiện đại nhưng cũng thường không được coi trọng, trở nên có giá hơn. Vox dùng CMS của mình để thu hút người tài. Google thì cũng không giấu diếm việc xây dựng một hệ thống CMS cho ngành công nghiệp báo chí. Gần đây cây bút mảng truyền thông của The New York Times là David Carr đã dành cả một bài để viết về nền tảng CMS blog đầy tiềm năng mang tên Medium, và khẳng định rằng “CMS sẽ là định mệnh”.

Và The New York Times không thể đồng ý hơn. Ở The New York Times, hệ thống CMS của bản thân tờ báo là trung tâm của những khát vọng trong việc nâng tầm cho mọi nền tảng. Đó cũng là nơi dành cho những kỳ vọng về tương lai mà báo in hợp nhất với báo điện tử, và là nơi để giải quyết những sự chưa hài lòng của ngày hôm nay.

Với suy nghĩ đó, chúng tôi chắc rằng đây là thời điểm tốt để nhìn nhận kỹ hơn về quá khứ, hiện tại, và tương lai của Scoop - xem điều gì hệ thống này đang làm tốt, điều gì cần phải cải thiện, và làm thế nào để hệ thống này giúp The New York Times luôn duy trì là cơ quan báo chí hàng đầu thế giới.

Scoop là gì?

Scoop là hệ thống CMS tự phát triển của The New York Times dành cho nền tảng điện tử và sau này là cả báo in, dù The New York Times cũng thường dùng WordPress cho một số không ít các blog của mình. Scoop bắt đầu được thiết kế và phát triển vào năm 2008 với sự phối hợp chặt chẽ từ tòa soạn.

Không như rất nhiều các hệ thống thương mại khác, Scoop không trực tiếp tạo ra các trang báo The New York Times hay cung cấp công cụ đó ra ngoài. Thay vào đó, Scoop là một hệ thống để quản lý nội dung và xuất bản dữ liệu từ đó các ứng dụng khác có thể trình bày nội dung thông qua nền tảng của The New York Times.

Sự chia tách chức năng như vậy giúp cho đội ngũ phát triển của The New York Times thoải mái hơn khi xây dựng giải pháp trên nền dữ liệu một cách độc lập, cho phép tiến hành nhanh hơn so với nếu Scoop là một hệ thống đóng nguyên khối. Ví dụ, nền tảng bình luận và hệ thống gợi ý của The New York Times được tích hợp với Scoop nhưng vẫn là ứng dụng tách riêng.

Phần mềm tòa soạn điện tử của The New York Times “thần thánh” tới mức nào?

Trên hình là bài viết đang được làm và chỉnh sửa trên Scoop.

Tầm nhìn đối với Scoop phát triển theo từng năm. Điều tuyệt với của CMS “nhà trồng được” là tòa soạn có thể điều chỉnh chức năng và đổi mới công nghệ thường xuyên. Từ khi ra đời, nền tảng Scoop đã mở rộng nhiều chức năng mới như hỗ trợ hệ thống sản xuất và biên tập tin bài phức tạp, công cụ lập kế hoạch, xử lý ảnh, quản lý video, và các bộ công cụ giao diện lập trình API đa dạng hơn.

Lượng người dùng của Scoop đã tăng mạnh từ vài chục tòa soạn điện tử lên đến hơn 1.000 người dùng, bao gồm phóng viên, biên tập viên, biên tập viên ảnh, hay nhóm sản xuất video.

Và có thể thay đổi lớn nhất là sự đảo ngược quy trình xuất bản của The New York Times. Ban đầu các bài báo được viết cho hệ thống in CCI, rồi mới chuyển tới Scoop để người phụ trách web thêm phần đa phương tiện, thêm từ khóa nội dung, rồi sau đó xuất bản lên NYTimes.com. Ngày nay, phóng viên có thể tạo bài báo cho Scoop trước để xuất bản lên web và di động trước khi gửi sang CCI để in báo giấy. Người ta gọi đó là “Digital First”.

Scoop là một hệ thống đáp ứng tốt như cầu của bất kỳ cơ quan truyền thông nào gồm cả báo điện tử, báo mobile, và báo giấy. Hệ thống này xuất bản khoảng 700 bài báo, 600 bức ảnh, 14 slide thuyết minh, và 50 video mỗi ngày. Với công suất đó thì hệ thống trở nên phức tạp hơn, đặc biệt khi so sánh với CMS của những đối thủ một nền tảng báo mạng của The New York Times.

Không giống như rất nhiều những hệ thống đơn giản hơn, nơi phóng viên chỉ có việc sản xuất một bài báo từ lúc khởi tạo cho đến lúc xuất bản, Scoop là hệ thống dựa trên vai trò, phản ánh sự chia mảng của các nhiệm vụ và sự kiểm tra, cân bằng trong tòa soạn. Quản lý được sự phức tạp đó, việc làm cho hệ thống dễ dàng sử dụng hơn mà không làm giảm giá trị của các chức năng và tính năng, là trạng thái cân đối mà The New York Times xử lý hàng ngày.

Dưới đây sẽ là phần điểm qua những tính năng nổi bật của Scoop và những gì The New York Times dự định cho tương lai.

Hệ thống CMS của The New York Times có chức năng gì?

1. Lập kế hoạch bài viết

Ngày xưa, các biên tập viên thường phác thảo kế hoạch cho tờ báo in của The New York Times bằng cách in ra danh sách bài đề xuất rồi khoanh chọn với các mảng đề tài khác nhau của tòa soạn. Rất nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ vì quy trình cổ điển và thiếu hiệu quả này. Vì thế vài năm trước, The New York Times đã làm một công cụ riêng để mang quy trình lập kế hoạch này lên mạng, và tích hợp công cụ đó vào Scoop.

Biên tập viên vẫn sẽ tiêu tốn khá nhiều giấy khi bàn thảo làm trang nhất, nhưng công cụ kế hoạch online giúp cho việc quản lý tin bài toàn cầu ở các mảng khác nhau, các văn phòng khác nhau trở nên khả thi. Đó thường là bước đầu trước khi một bài báo hoặc bất kỳ nội dung nào được khởi tạo với Scoop.

The New York Times dự định sẽ mở rộng chức năng này lên một hệ thống có thể biết được tình trạng của mỗi bài báo, khi nào bài được xuất lên hoặc được đi in, hình thức đa phương tiện nào sẽ được đính kèm bài báo, và bài báo có “phong độ” thế nào khi đã được xuất bản.

2. Lưu dấu chỉnh sửa và nhận xét

Một trong những tính năng nổi trội nhất của Scoop là khả năng lưu vết chỉnh sửa ngay trong bài viết tương tự như những gì bạn thấy trong Microsoft Word. Rất nhiều công cụ soạn thảo văn bản online khác ví dụ như Google Docs hiển thị phần chỉnh sửa ngoài lề. Biên tập viên của The New York Times thì thích công cụ lưu dấu chỉnh sửa theo kiểu Word hơn (hoặc cũng có thể nói họ yêu cầu thế), chứ không phải cơ chế vất vả khi phải so sánh đoạn chữ hiện có với phiên bản trước đó.

Kiểu của Word có từ những công cụ soạn thảo văn bản trên máy tính đầu tiên như Atex, đó là tiêu chuẩn của các tòa soạn vào những năm 1980, và kiểu lưu vết này rõ ràng là có giá trị khi hiển thị tất cả những chỉnh sửa trong đoạn văn. Và theo yêu cầu của các biên tập viên The New York Times, nhóm phát triển cũng triển khai phần nhận xét và ghi chú ngay trong đoạn văn thay vì ngoài lề. Để làm được điều đó, nhóm phát triển xây dựng công cụ soạn thảo văn bản của riêng mình mang tên ICE, sau đó mở mã nguồn công cụ này.

3. Tạo phiên bản

Biên tập viên của The New York Times có thể tạo ra số bản thảo không giới hạn cho một bài báo. Rất nhiều CMS chỉ hỗ trợ một bản thảo và một phiên bản được xuất bản, nhưng với Scoop, chúng ta có thể có những phiên bản khác nhau của bài báo, có thể là một phiên bản ít phải chỉnh sửa, một phiên bản được chỉnh sửa khác đi, và một phiên bản dành riêng cho báo giấy khi báo báo phải vừa gọn trong khuôn giấy. Mỗi một bản thảo đó có thể trải qua quá trình biên tập hoàn toàn độc lập với nhau và sau đó trở thành các phiên bản khác nhau được xuất bản của bài báo.

4. Làm việc cùng cộng sự theo thời gian thực

Trong chức năng làm việc cùng nhau theo thời gian thực, nhóm phát triển hỗ trợ khóa nội dung để các biên tập viên không thể viết đè lên lẫn nhau. Nhưng Scoop cũng hỗ trợ các biên tập viên “gõ cửa”, nghĩa là đề nghị người đang khóa nội dung mở khóa nếu được.

Ngày nay, Scoop còn khóa theo nhóm các trường nội dung. Ví dụ, một phóng viên có thể vẫn làm nội dung trong bài trong khi biên tập viên viết tiêu đề và lời dẫn còn một nhóm gắn nội dung đa phương tiện. Nhưng một biên tập viên không thể viết tiêu đề nếu đang có người khác viết lời dẫn.

The New York Times sẽ sớm triển khai giao diện bài viết mới bao gồm chức năng làm việc cùng cộng sự theo thời gian thực và khóa theo nhóm nội dung. Trong giao diện mới này, các biên tập viên có thể biết ai khác đang làm trong cùng bài viết và trường nội dung nào bị khóa. Khi một biên tập viên lưu thay đổi, thay đổi này được cập nhật cho các cộng sự khác theo thời gian thực.

Hiện tại theo yêu cầu của các biên tập viên, nhóm phát triển không cho hiển thị mỗi lần gõ phím vào từ các cộng sự như Google Docs làm. Nhưng trong khả năng của nhóm phát triển, thì có thể có nhiều hơn một người viết trong nội dung bài cùng một lúc.

Phần mềm tòa soạn điện tử của The New York Times “thần thánh” tới mức nào?

Trên hình là minh họa khi biên tập viên Luke Vnenchak viết tiêu đề thì biên tập viên Min Hur có thể viết lời dẫn vì chưa có đánh dấu khóa Protect Summary.

5. Bài báo riêng

Khi làm những chủ đề đặc biệt nhạy cảm, các biên tập viên có thể đánh dấu bài viết là riêng tư hoặc hạn chế truy cập bởi người dùng, nhóm người dùng khác. Đây là yêu cầu cần thiết cho những trường hợp như điều tra sự vụ liên quan đến Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), ví dụ như vậy, hoặc các bài góc nhìn chấn động của Tổng thống Nga Vladimir Putin hay nữ diễn viên Angelina Jolie.

6. Gắn thẻ cho nội dung

The New York Times thì vẫn gắn dấu chia hạng mục cho nội dung dựa trên chủ đề, nhân vật, tổ chức, và địa điểm từ khi tờ báo ra đời năm 1851. Nhưng ngày nay, thẻ tag còn được tự động gợi ý ra dựa trên nội dung của bài viết với các thuật toán phức tạp nhận biết được giữa bang Georgia của Mỹ và đất nước Georgia vùng Đông Âu.

Biên tập viên sử dụng những gợi ý này để gắn thẻ bài viết. Họ cũng có thể tự lựa chọn thêm thẻ tag trong danh sách hoặc đề xuất cụm từ khóa mới. Những đề xuất này đều được xem xét để đảm bảo nguyên tắc gợi ý gắn thẻ…

7. Hệ thống thông báo

Scoop có một hệ thống thông báo cho người sử dụng được tùy chọn nhận thông báo khi một bài viết được khởi tạo, hoặc đạt đến một mức độ nào đó trong quy trình, được cập nhật hoặc được xuất bản. Hệ thống này giúp các biên tập viên không phải đứng chầu trực sau lưng phóng viên đang cố viết bài cho kịp deadline. Hệ thống cũng giúp bên sản xuất đa phương tiện biết khi nào bài trong mảng của họ sẵn sàng được xuất bản, hoặc giúp biên tập viên biết được khi nào bài viết sẵn sàng được rà soát. Thông báo được gửi qua email và ngay chính trên Scoop.

8. Biên tập ảnh

Khi Scoop mới ra đời, các phóng viên và biên tập viên ảnh chỉ cần cắt xén một vài khung tỷ lệ và kích cỡ khác nhau cho mỗi ảnh. Nhưng khi rất nhiều app và nền tảng mọc lên, thì số lượng khung crop ảnh nhà báo cần cũng tăng lên.

The New York Times không muốn thay đổi quy trình làm việc của tòa soạn mỗi khi tòa soạn có app mới hoặc mỗi khi cấu hình iPad thay đổi, vì thế nhóm phát triển đã cải tiến công cụ crop ảnh để đơn giản hóa thao tác crop trong khi lại tăng số lượng kích thước và tỷ lệ mà tờ báo có thể xuất bản đối với từng ảnh.

Ngày nay, các biên tập viên sử dụng Scoop để khoanh vùng crop chính và crop khung vuông nhỏ để làm ảnh đại diện thumbnail; còn lại Scoop có thể từ đó suy ra các khung crop còn lại dù các kết quả có thể được điều chỉnh bởi biên tập viên.

9. Thực hiện một vài lệnh crop trong Scoop:

Và hệ thống sẽ tạo ra hơn 50 phiên bản với các kích cỡ và phiên bản khác nhau:

10. Thêm nội dung đa phương tiện

Ảnh, slide thuyết minh, video, biểu đồ, hay đồ họa có thể được gắn một cách ngẫu nhiên với bài viết hoặc được chỉ định giữa các đoạn bài cụ thể. Nếu một nội dung đa phương tiện không được gắn cụ thể vào chỗ nào, thì NYTimes.com được lập trình để gắn ngẫu nhiên vào bài sao cho tránh trùng với vị trí đã đặt ảnh hoặc quảng cáo.

11. Nội dung gợi ý tự động

Scoop sử dụng bộ giao diện lập trình API để gợi ý video đang có trong kho sao cho phù hợp với bài viết đang được sản xuất.

12. Xem trước bản web và mobile

Scoop luôn hỗ trợ xem trước chi tiết chân thực về việc những nội dung đang làm sẽ trông như thế nào trên NYTimes.com. Nhóm phát triển cũng đã thêm một khung để mô phỏng xem bài viết sẽ được trình bày như thế nào trên mobile.

13. Bộ công cụ giao diện lập trình API cho nội dung

Phần việc xuất bản của Scoop chỉ có thể coi là hoàn thiện khi cung cấp bộ công cụ giao diện lập trình API để nâng cao năng lực cho nền tảng web và mobile của tờ báo. Đây là mảng thay đổi lớn trong nhiều năm qua khi số lượng nền tảng được Scoop hỗ trợ tăng lên.

14. Lựa chọn “trang nhất” cho mobile

Trang chủ NYTimes.com và hầu hết các chuyên mục hiển thị được lựa chọn sắp đặt thủ công để độc giả của tờ báo có thể biết được bài báo nào được các biên tập viên cho rằng là quan trọng trong ngày. Sự sắp đặt này có tác dụng cho cả giao diện app và trang trên di động.

Thứ tự các chuyên mục được gắn liền với giao diện máy tính, nghĩa là hệ thống cần “phiên dịch” sự sắp đặt giao diện sang mobile và app dù rằng cấu trúc giao diện là khác nhau. Với thực tế rằng phần lớn lưu lượng độc giả của The New York Times đã chuyển sang thiết bị di động, thì nhóm phát triển muốn tạo thêm quyền hạn tương tự cho các biên tập viên để kiểm soát sự trình bày nội dung trên mobile như tờ báo đang làm trên web.

Nhóm phát triển đánh giá lại cách tiếp cận hiện tại để tìm ra cách để tốn nhân lực hơn trong truyền tải mức độ quan trọng của từng nội dung, và để cấu trúc lại dữ liệu sao cho có thể áp dụng dữ liệu trực tiếp cho giao diện điện thoại và máy tính bảng.

Điều này tạo ra những thay đổi lớn cho Scoop, với các app điện thoại của tờ báo và quy trình làm việc của tòa soạn. Tin tốt là The New York Times có một hệ thống mà tờ báo tự kiểm soát được và một đội ngũ đủ khả năng tạo ra những sự thay đổi đó.

Chủ đề:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

© Công ty Phần mềm & Truyền thông VIỆT LONG
Địa chỉ:
Điện thoại:
Email:
Website: https://vietlong.org
Facebook: